chu.gif (2874 bytes)

congai.gif (7622 bytes)     Trong đời sống, chúng ta thường bắt gặp những thành ngữ như: Giấc Nam Kha, Tây Thi, Nguyệt Lão, Liễu Chương Ðài ... hoặc Prômêtê, Gót Asin, Hồng Thủy ... hoặc Tú Bà, Chí Phèo, Xuân Tóc Ðỏ ... Ðó là những Ðiển tích, lấy trong văn hóa cổ, kim của Trung Quốc, phương Tây, Việt Nam, thường là những tên người, tên đất, những hình tượng văn học trong thần thoại, truyền thuyết, văn học, lịch sử ..., đầy tính thơ ca và chứa đựng biết bao ý nghĩa sâu xa.

     Với mong muốn làm phong phú thêm vốn sống của bạn đọc, góp phần nhỏ bé nâng cao trình độ hiểu biết văn hóa nhân loại, chuyên mục "Ðiển tích Văn học" của NetCodo ra đời với mục đích ấy. Hàng tuần, vào ngày thứ Bảy, mời các bạn đến với chuyên mục của chúng tôi!

Con Rồng cháu Tiên

Với người Việt nam, những tiếng "Con Rồng, cháu Tiên" thật ấm áp, mặn nồng tình ruột thịt trong khái niệm thiêng liêng: Tổ quốc.

        Ngày xửa, ngày xưa, đất nước ta còn hoang vu, nhiều ma tà, quỷ quái. Lạc Long Quân vốn là dòng giống Rồng. Chàng thanh niên khoẻ mạnh, dũng cảm đi khắp nơi diệt trừ tai hoạ. Nghe tin miền biển có con cá thần hung dữ thường dâng những cơn sóng nhấn chìm biết bao thuyền đánh cá, Lạc Long Quân giong thuyền ra khơi, nung đỏ một khối sắt lao vào miệng Ngư Tinh rồi rút gươm chém con quái vật làm ba khúc quăng ra biển. Chàng lại đi đến miền Long Biên, ở đó có con cáo chín đuôi đang phá phách, nhân dân sợ Hồ Tinh phải đi trốn. Lạc Long Quân hoá thành sấm sét, gió, bão, giao chiến với Hồ Tinh và chém đứt đầu con yêu quái. Chàng đến Phong Châu, vùng núi này có cây chiên đàn sống đã nghìn năm, hoá thành Mộc Tinh chuyên bắt người nuốt sống, Lạc Long Quân đánh nhau với Mộc Tinh hàng trăm đêm long lở đất trời mới diệt nổi loạn quỹ dữ. Từ đó, khắp nơi dân vui vẻ làm ăn. Lạc Long Quân dạy dân cách trồng lúa, lấy ống tre thổi cơm, đốn gỗ làm nhà sàn, xây cung điện... Nhưng chàng thường thích về Thuỷ cung với mẹ.

        Dân chúng tin yêu Lạc Long Quân, khi có tai biến thường kêu: "Bố ơi! về cứu chúng con".

        Một hôm, Lạc Long Quân đi tới vùng Lăng Xương (Vĩnh Phú) gặp nàng Âu Cơ, con vua Ðế Lai theo cha đi tuần. Thấy nàng Âu Cơ khoẻ mạnh, xinh đẹp nết na, Lạc Long Quân đem lòng yêu mến và lấy làm vợ. Hai người ăn ở với nhau vui vẻ, thuận hoà. ít lâu sau, bố Rồng, mẹ Tiên sinh ra một cái bọc diệu kỳ có trăm trứng. Hai vợ chồng nâng niu, ấp ủ cái bọc, kết tinh của mối tình Rồng Tiên tuyệt đẹp. Bảy ngày sau, cái bọc nở ra một trăm người con trai khôi ngô, tuấn tú, mắt sáng long lanh. Lạc Long Quân và Âu Cơ hết lòng chăm sóc một trăm người con. Gia đình Rồng Tiên sống vui vầy, yên ấm. Nhưng Lạc Long Quân thường nhớ tới mẹ dưới Thuỷ cung, chàng muốn về với mẹ. Một hôm, chàng buồn rầu nói với Âu Cơ;
        - "Ta thuộc giống Rồng, nàng là giống Tiên. Ta quen sống dưới nước, nàng thích ở trên cạn. Ðể chiều lòng nhau, ta dẫn năm mươi con về biển, nàng cùng năm mươi con ở lại trên núi. Kẻ dưới nước, người trên cạn, nhưng nghĩa tình ta mặn mà, chung thuỷ, vẫn nhớ thương nhau tha thiết, khi nào hoạn nạn hãy về giúp nhau."

        Thế là trăm người con chia tay nhau, người ở với mẹ, người theo bố toả ra khắp mọi miền Tổ quốc, nhưng lúc nào họ cũng nhớ cùng một bọc sinh ra. Giống nòi họ sinh ra trong sự giao lưu giữa Trời và đất, giữa đất và nước.

        "Con Rồng, cháu Tiên" gợi hồn dân tộc. Nó còn là khát vọng của nhân dân ta muốn sống trong tình thương yêu ruột thịt giữa cộng đồng. Ðó cũng là mơ ước về sự sống hoà bình trên hành tinh.

[Kỳ trước][Trang chủ][Kỳ sau]

 


Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn

Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn